Luật Thiên Phúc

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế

  1. - Cập nhật:
  2. 1,017

TỪ KHÓA: Khai nhận di sản thừa kế

  1. Cơ sở pháp lý
  • Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015;
  • Luật Công chứng năm 2014;
  • Nghị định 29/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế

  1. Khai nhận di sản thừa kế là gì?

Di sản, theo Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học soạn thảo, được định nghĩa là tài sản của người chết để lại. Theo Điều 612 BLDS năm 2015, “di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”

Có 02 loại thủ tục chuyển giao quyền sở hữu từ người để lại di sản sang người thừa kế: thủ tục khai nhận di sản và thủ tục thỏa thuận phân chia di sản.

Khai nhận di sản thừa kế là thủ tục xác lập quyền tài sản của người thụ hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật đối với di sản của người đã mất tại thời điểm phát sinh quyền thừa kế.

Việc khai nhận di sản thừa kế được thực hiện trong 02 trường hợp sau:

  • Khi chỉ có một người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật;
  • Nhiều người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó.

Thứ tự hàng thừa kế được quy định tại Điều 651 BLDS năm 2015:

 Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

  1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
  2. a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  3. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  4. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  5. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
  6. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
  7. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế
    • Chuẩn bị hồ sơ

Để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế, cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  • Phiếu yêu cầu công chứng;
  • CMND/CCCD, Hộ khẩu, Giấy khai sinh của những người khai nhận di sản thừa kế;
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản;
  • Sơ yếu lý lịch của một trong những người khai nhận di sản (có xác nhận của UBND phường, xã hoặc các cơ quan có thẩm quyền);
  • Các giấy tờ về di sản thừa kế như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, sổ tiết kiệm, đăng ký xe, hoặc các giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản;
  • Bản sao di chúc (thừa kế theo di chúc) hoặc Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người khai nhận di sản, ví dụ: Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, … (thừa kế theo pháp luật).

Ngoài ra, những giấy tờ sau không bắt buộc nhưng có thể nộp cùng với giấy tờ chính nếu có:

  • Dự thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế;
  • Di chúc hợp pháp;
  • Giấy uỷ quyền, giấy nhường di sản thừa kế, giấy từ chối di sản thừa kế.
    • Công chứng văn bản khai nhận di sản

Khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, người khai nhận di sản sẽ nộp hồ sơ để tiến hành công chứng văn bản khai nhận di sản. Cụ thể, các chủ thể được quy định tại Điều 58 Luật Công chứng năm 2014 có quyền yêu cầu được công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Sau khi công chứng viên kiểm tra hồ sơ, nếu:

  • Hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: Công chứng viên sẽ tiếp nhận, thụ lý hồ sơ và ghi vào sổ công chứng;
  • Hồ sơ chưa đầy đủ: Công chứng viên sẽ yêu cầu bổ sung hồ sơ;
  • Hồ sơ không có căn cứ để giải quyết: Công chứng viên sẽ từ chối tiếp nhận hồ sơ, đồng thời giải thích lý do từ chối.
    • Niêm yết việc thụ lý văn bản khai nhận di sản

Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, công chứng viên sẽ tiến hành niêm yết việc thụ lý văn bản khai nhận di sản. Theo Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP, việc niêm yết được thực hiện công khai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản.

Nếu người để lại di sản không có nơi thường trú cuối cùng hoặc không xác định được nơi thường trú cuối cùng, thì việc niêm yết được thực hiện tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của họ. Niêm yết được thực hiện trong vòng 15 ngày.

Trường hợp di sản bao gồm cả động sản và bất động sản hoặc chỉ bao gồm bất động sản, thì việc niêm yết được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.

Trường hợp di sản chỉ gồm động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.

Những nội dung sau cần được nêu rõ trong niêm yết:

  • Họ, tên người để lại di sản;
  • Họ, tên của những người khai nhận di sản;
  • Quan hệ của những người khai nhận di sản với người để lại di sản;
  • Danh mục di sản thừa kế.

Ngoài ra, trong bản niêm yết còn phải ghi rõ “nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.”

  • Hướng dẫn ký văn bản khai nhận di sản

Nếu không có khiếu nại, tố cáo sau khi nhận được niêm yết, công chứng viên tiến hành giải quyết hồ sơ. Theo đó, công chứng viên sẽ kiểm tra nội dung bản dự thảo văn bản khai nhận thừa kế có sự vi phạm pháp luật hoặc vi phạm đạo đức hay không. Trường hợp chưa có bản dự thảo khai nhận di sản, công chứng viên sẽ soạn thảo văn bản theo yêu cầu của người khai nhận. Sau đó công chứng viên tiến hành hướng dẫn người khai nhận ký tên vào văn bản khai nhận di sản.

  • Ký chứng nhận và trả kết quả

Trước khi ký xác nhận, công chứng viên yêu cầu người khai nhận di sản xuất trình bản gốc những giấy tờ nêu trên. Khi hoàn thành thủ tục khai nhận di sản, người khai nhận di sản thanh toán các khoản phí, lệ phí và được trả lại bản gốc văn bản khai nhận di sản thừa kế.

  1. Những câu hỏi thường gặp
    • Người không có tên trong di chúc thì có được nhận thừa kế không?

Người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật nhưng không có tên trong di chúc (hay còn gọi là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc) thì vẫn được hưởng thừa kế. Cụ thể, Điều 644 BLDS năm 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau:

Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

  1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
  2. a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  3. b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
  4. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Như vậy, nếu không có tên trong di chúc nhưng rơi vào  một trong hai trường hợp tại khoản 1 Điều 644 BLDS năm 2015 thì vẫn được hưởng thừa kế theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, những người này chỉ nhận được phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo quy định của pháp luật.

  • Mức thu phí, lệ phí công chứng văn bản khai nhận di sản là bao nhiêu?

Theo điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, mức thu phí công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản được tính trên giá trị di sản.

 

TTGiá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịchMức thu

(đồng/trường hợp)

1Dưới 50 triệu đồng50 nghìn
2Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng100 nghìn
3Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch
4Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng
5Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng
6Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng
7Từ trên 10 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng.
8Trên 100 tỷ đồng32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp).

Ngoài ra, mức thù lao công chứng do tổ chức hành nghề công chứng xác định nhưng không vượt quá mức trần thù lao công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

 

 

Về tác giả

  1. Vũ Nguyễn

    LUẬT HỒNG PHÚC được thành lập với mục đích cung cấp các giải pháp về thành lập doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài và các dịch vụ khác cho doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp – hiệu quả – tối ưu hóa chi phí. Do đó hiện nay chúng tôi vinh dự trở thành nơi tin cậy và là chỗ dựa vững chắc của hơn 800 doanh nghiệp trên khắp cả nước. Chúng tôi Cam kết mang đến bạn sự hài lòng cả về chất lượng và mức giá.
Bài viết cùng chủ đề